Về sản lượng sản xuất, HPG đạt 2.490 nghìn tấn, nhờ sản lượng thép xây dựng tăng 62% so với cùng kỳ. Nguyên liệu đầu vào giảm mạnh hơn giá bán tác động tích cực lên biên lợi nhuận gộp, đạt 13% (tăng 2 điểm % so với cùng kỳ). Giá quặng sắt và than giảm 5% và 8% trong khi giá thép xây dựng giảm 4%. Chi phí tài chính đạt 1.065 tỷ đồng (giảm 21%) nhờ lãi suất thấp.
Do đó, lợi nhuận ròng của HPG quý II/2024 đạt 3.320 tỷ đồng (tăng 129% so với cùng kỳ và tăng 16% so với quý trước). Lợi nhuận ròng nửa đầu năm 2024 tăng 238%, và hoàn thành 47% dự phóng cả năm của chúng tôi.
Trong 2024, lợi nhuận ròng đạt 11.864 tỷ đồng (tăng 74% so với năm ngoái) do tăng doanh thu (tăng 12%) và biên lợi nhuận gộp (tăng 3%). Kỳ vọng năm 2025-2026, với sự đóng góp của DQ2 và thuế chống bán phá giá, tổng sản lượng có thể đạt 9,9/12,5 triệu tấn (tăng 19%/24%) nhờ tăng trưởng sản xuất thép HRC đạt 51%/55%, từ đó doanh thu tăng 24%/32%.
Ngoài ra, giá bán tăng mạnh hơn nguyên liệu đầu vào giúp cải thiện biên lợi nhuận gộp, có thể đạt 15,6% (tăng 1,6 điểm %) và 15,5% (giảm 0,1 điểm %) trong năm 2025-2026. Như vậy, lợi nhuận ròng năm 2025-2026 có thể đạt 18.035/23.577 tỷ đồng (tăng 51%/31%)
Chúng tôi tin rằng đây là thời điểm thích hợp để tích lũy cổ phiếu HPG cho mục tiêu dài hạn do các yếu tố tiêu cực đã phản ánh hầu hết vào giá cổ phiếu. Từ quý IV/2024, chúng tôi kỳ vọng giá thép sẽ cải thiện nhờ áp lực giảm dần từ phía thép Trung Quốc. Ngoài ra, việc áp thuế CBPG và vận hành DQ2 là những điểm sáng thúc đẩy lợi nhuận ròng của HPG trong năm 2025-2026. Vì thế, chúng tôi khuyến nghị khả quan với giá mục tiêu 33.500 đồng/cp, tăng 33% thông qua hai phương pháp định giá FCFF và P/B (WACC: 11.6%). Rủi ro đầu tư bao gồm (1) giá thép Trung Quốc tiếp tục giảm và (2) ngành bất động sản kém khả quan.